Khi bé có thêm em, những điều mẹ đừng quên chuẩn bị cho con lớn

Mọi hành vi và phản ứng của bé lớn đều phụ thuộc vào cách ứng xử của bố mẹ. Để chuẩn bị cho việc bé có thêm em, bố mẹ đừng quên làm những điều sau đây cho con lớn. 

0
1046

Khi biết mình có thêm em, ban đầu bé sẽ hào hứng và phấn khích. Tuy nhiên còn tùy thuộc vào cách giải thích và ứng xử của gia đình mà bé sẽ ủng hộ hay cảm thấy khó chịu về việc bé có thêm em. Sự kiện này có thể dẫn đến những thay đổi tiêu cực trong suy nghĩ, hành vi của con lớn nếu bố mẹ chưa thực sự sẵn sàng chuẩn bị cho con lớn những điều sau đây. 

1. Thông báo chuyện bé sắp có thêm em khi nào là thích hợp?

Thời điểm còn tùy thuộc vào độ tuổi và sự trưởng thành của bé. Thời điểm thích hợp là khi cơ thể mẹ bắt đầu có sự thay đổi, bé ý thức được sự bất thường và đặt câu hỏi. Tranh thủ lúc bé thắc mắc, bố mẹ có thể giải thích cặn kẽ cho con hiểu mọi chuyện sẽ thay đổi hoặc diễn biến thế nào khi có em. Trẻ con từ tầm 2 đến 3 tuổi trở lên đã bắt đầu ý thức và nhận thức được rất nhiều thứ. Dù chưa thể hiểu nhưng chỉ cần giải thích cặn kẽ, kiên trì giải thích thật nhiều lần, bé nhất định sẽ hiểu.

2. Luôn đảm bảo bé lớn được quan tâm

Trong khoảng thời gian mẹ mang thai, bố mẹ cần chú ý đến bé lớn nhiều hơn. Bố mẹ có thể nhờ người thân để ý giúp thái độ và hành vi của bé. Sau khi con chào đời, bố mẹ có thể “thỏa thuận” với bé rằng trong khoảng thời gian mẹ có thêm em, nếu bé có vấn đề gì thắc mắc, cảm thấy khó chịu hoặc không thoải mái, bé có thể ra hiệu với bố mẹ thông qua “tín hiệu” mà cả nhà đã quy ước trước với nhau. Dựa vào “tín hiệu” bé cung cấp, bố mẹ có thể biết được lúc nào bé cần được chú ý, thông qua đó có sự quan tâm thích hợp dành cho bé.

3. Chuẩn bị cho việc bé có thêm em

Để chuẩn bị cho việc bé có thêm em, bố mẹ có thể thực hiện các bước sau:

Bước 1

Tập cho bé ngủ riêng. Nếu nhà có điều kiện, bố mẹ nên tập cho bé ngủ phòng riêng. Mới đầu, bé chưa quen, bố mẹ có thể cho bé ngủ với bố hoặc cô chú, ông bà để dần quen với việc không có mẹ bên cạnh. 

Bước 2

Chọn thời điểm thích hợp, nói với bé rằng bé sắp có thêm em, mẹ sẽ sinh em bé và gia đình sẽ có thêm một thành viên.

Bước 3

Thường xuyên nói với bé lớn để con hiểu rằng mình từng là một em bé, em bé thì cần mẹ dành thời gian để chăm sóc nhiều hơn. Đồng thời nói cho con hiểu sẽ có những thay đổi như thế nào khi nhà có thêm thành viên.

Bước 4

Dùng hình ảnh “em bé” để dạy bé cách cư xử với gia đình và người thân để bé ý thức được trách nhiệm của mình đối với em. Chẳng hạn “khi nào em bé lớn rồi, em bé nhất định sẽ yêu thương, bảo vệ và chăm sóc con” hoặc “khi nào em bé lớn rồi, em bé sẽ nhường đồ chơi cho con”. 

Bước 5

Sau khi con chào đời, bố mẹ tuyệt đối không thể hiện sự ưu ái hay thiên vị chỉ vì con nhỏ hơn. Bố mẹ có thể gợi ý ý bé lớn chủ động nhường phần của mình cho em.

Bước  6

Hãy khuyến khích bé lớn quan tâm và chăm sóc em dưới nhiều hình thức. Chẳng hạn, khi chưa có em, bố mẹ sẽ đọc truyện cho con nghe mỗi tối. Khi bé có em, bé có thể thay bố mẹ đọc truyện cho em nghe. 

Nguồn: Bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang, khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1