Dấu hiệu nhận biết và cách chăm sóc trẻ bị viêm hô hấp tại nhà

Viêm hô hấp (hay viêm đường hô hấp) là một trong những căn bệnh thường gặp ở trẻ. Tùy vào vị trí bệnh có thể chia thành viêm hô hấp trên và viêm hô hấp dưới.

0
812

Viêm hô hấp trên: thường là mũi, họng, tai, nặng nhất là viêm thanh quản, có khi bác sĩ chẩn đoán là viêm mũi họng, thường là do virus, nhất là bệnh theo mùa, thời điểm xung quanh có nhiều người bị bệnh. 

Viêm hô hấp dưới: Bác sĩ sẽ chẩn đoán tùy nơi bị bệnh như:

  • Viêm phế quản;
  • Viêm tiểu phế quản: bệnh này khò khè nhiều và dù đã hết bệnh trẻ vẫn tiếp tục khò khè;
  • Viêm phổi/ viêm phế quản phổi: bệnh này xuất hiện khả năng là do vi trùng nhiều;
  • Viêm phế quản co thắt.

1. Nguyên nhân gây viêm hô hấp ở trẻ

– Thời tiết thay đổi, môi trường sinh hoạt không sạch sẽ, lành mạnh làm trẻ giảm sức đề kháng, đa số là do virus, thỉnh thoảng do vi trùng. 

– Trẻ bị lây từ người lớn hoặc từ trẻ khác.

2. Dấu hiệu nguy hiểm

– Viêm phổi – viêm thanh quản: Cần theo dõi nhịp thở, tập đếm nhịp thở nếu thở nhanh, hay thở rút ngực là viêm phổi; khóc khàn kèm khó thở là viêm thanh quản, trong trường hợp này cần đi khám ngay. 

  • Trẻ dưới 2 tháng: nhịp thở > 60 lần/ phút;
  • Trẻ dưới 12 tháng tuổi: nhịp thở > 50 nhịp/ phút;
  • Trẻ 12 tháng – 5 tuổi: nhịp thở >40 nhịp/ phút.

– Thở khó: 

  • Co lõm lồng ngực: khi hít vào bình thường thì vùng ngực nâng lên nhưng lại lõm vào;
  • Phập phồng cánh mũi: bình thường lúc thở cánh mũi không di động nhưng khi khó thở nhiều cánh mũi lại di động phồng rồi xẹp;

– Trẻ ngủ li bì, bỏ bú, có hiện tượng co giật là dấu hiệu bệnh chuyển nặng.

– Trẻ bị ho kéo dài, ho nhiều về đêm có khả năng là dấu hiệu trẻ bị hen suyễn.

– Sổ mũi kéo dài, thò lò mũi xanh trẻ có khả năng bị viêm VA. 

– Nhiều bé thở khò khè nghe rất đáng sợ nhưng vẫn bú tốt, tươi tỉnh thì thường là do đường thở mềm, khi trẻ lớn sẽ hết dần. 

3. Chăm sóc trẻ bị viêm hô hấp tại nhà

Dưới đây là một số lưu ý khi chăm sóc trẻ viêm hô hấp tại, cha mẹ cần nhớ:

– Thường xuyên nhỏ mũi, bôi dầu lòng bàn chân cho trẻ;

– Xem lại phòng ở của bé có bị nóng, hầm hập hay lạnh không;

– Cho trẻ uống ho thảo dược, nếu tình trạng không thuyên giảm thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám.

4. Phòng ngừa bệnh viêm hô hấp cho trẻ

– Cho trẻ nhỏ bú đủ;

– Trẻ lớn cần uống nhiều nước, ăn nhiều rau, hoa quả, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng;

– Cho trẻ chích ngừa đủ và đúng lịch;

– Cho bé ngủ đủ, không để ngủ trễ. Giấc ngủ sâu từ 9 giờ tối đến 5 giờ sáng rất quan trọng để tạo miễn dịch, tăng sức đề kháng cho trẻ;

– Sinh hoạt hằng ngày cần tránh nóng quá hoặc lạnh quá. Cần lưu ý khi thay đổi môi trường từ nóng sang lạnh hay ngược lại một cách đột ngột. Ngoài ra, bố mẹ phải chú ý cho bé nằm trong phòng máy lạnh 27 độ., tránh để gió điều hòa lùa thẳng vào người. Đối với trẻ nằm quạt cũng không nên để quạt thổi thẳng vào mặt, vào đầu. 

– Trẻ không nên tắm quá lâu, không nên tắm nhiều lần trong ngày. 

Nguồn: Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trích hỏi Bác sĩ Nhi đồng (Giải đáp thắc mắc của cha mẹ về bệnh con nít)