Chế độ dinh dưỡng hợp lý trong thai kỳ giữ một vai trò quan trọng giúp đảm bảo sức khỏe cho bà mẹ khi mang thai và sau sinh. Khi mẹ được cung cấp đầy đủ dưỡng chất sẽ bảo đảm cho thai nhi phát triển tốt và phòng tránh được một số khuyết tật bệnh lý.
Dưới đây là mức nhu cầu dinh dưỡng cần bổ sung trong thai kỳ theo khuyến cáo của bác sĩ Bác sĩ Chuyên khoa 1, Nguyễn Thị Ngọc Hương, Trưởng khoa Dinh dưỡng Lâm Sàng – Trung Tâm Dinh Dưỡng TP.HCM.
Năng lượng
Tổng năng lượng bổ sung cho toàn thai kỳ là 55.000 Kcal nhằm phục vụ cho việc hình thành một em bé sơ sinh có cân nặng từ 3kg đến 3,4kg, tích tụ 0,9kg protien, 3,8kg mỡ và phục vụ cho các chuyển hóa trong cơ thể mẹ bầu. Mỗi ngày, mẹ bầu cần được cung cấp thêm 350Kcal so với lúc trước khi mang thai.
Chất đạm
Các axit amin thiết yếu (histidine, isoleucine, leucine, lysine, methionine, phenylalanine, threonine, tryptophan và valine) phải được cung cấp đủ trong khẩu phần ăn của mẹ bầu vì chúng không thể tổng hợp được trong cơ thể.
Thai nhi cần số lượng lớn chất đạm để tăng trưởng và tích tụ protein mới. Lượng đạm tăng thêm được khuyến nghị bởi Viện Dinh dưỡng Quốc gia là 15g mỗi ngày. Nguồn đạm tốt cho mẹ bầu có trong hầu hết là các thực phẩm dùng hàng ngày: thịt, cá, trứng, sữa, phomát, ngũ cốc, các loại đậu,…
Chất sắt
Hơn 30% phụ nữ mang thai bị thiếu máu do thiếu chất sắt. Mẹ bầu thiếu máu do thiếu sắt khiến trẻ có nguy cơ nhẹ cân, tăng tỷ lệ mắc các bệnh nhiễm trùng cao ở cả mẹ lẫn con.
Biểu hiện thiếu máu do thiếu sắt: da xanh, niêm mạc nhợt, cơ nhão, mệt mỏi, buồn ngủ.
Sắt là vi chất duy nhất được Tổ chức Y tế Thế giới khuyên nên bổ sung cho phụ nữ mang thai mỗi ngày từ 30- 60mg, thời gian bổ sung kéo dài từ khi biết có thai cho đến sau khi sinh 1 tháng. Nên uống viên sắt giữa các bữa ăn với các thức uống không phải là sữa, trà, cà phê.
Nguồn thực phẩm giàu sắt bao gồm: các loại thịt, huyết, trứng, gan, tim, các loại rau lá có màu xanh đậm. Sắt có trong thức ăn động vật dễ hấp thu hơn sắt có trong thức ăn thực vật.
Axit Folic (vitamin B9)
Axit folic có vai trò quan trọng trong việc phân chia tế bào, vì vậy ngoài việc tham gia trong quá trình tạo ra tế bào hồng cầu, axit folic còn giữ vai trò quyết định trong việc hoàn thiện ống thần kinh của thai nhi.
Hậu quả thiếu axit folic khi mang thai: gây khiếm khuyết ống thần kinh gây ra thai vô sọ, thoát vị não-màng não, hở đốt sống, gai đôi cột sống.
Ông thần kinh của thai nhi được hình thành trong 4 tuần đầu của thai kỳ, nên việc bổ sung axit folic phải được thực hiện ngay từ khi có ý định mang thai cho đến hết 3
tháng đầu thai kỳ. Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy bổ sung axit folic giúp giảm từ 50 đến 70% nguy cơ mắc các dị tật do khiếm khuyết ống thần kinh gây ra.
Liều bổ sung: 0,4 – 0,8mg/ ngày.
Thực phẩm có nhiều axit folic: thịt bò, gan, giá sống, rau xanh, củ cải, bộng cải, đậu nành,…
Lưu ý: Axit folic dễ bị hủy bởi nhiệt độ và ánh sáng mặt trời.
Canxi
Mỗi ngày, mẹ bầu cần một lượng canxi gấp 2 lần so với lúc chưa mang thai, vì vậy nếu mẹ bầu uống được sữa thì chỉ cần bổ sung mỗi ngày từ 500 đến 600ml sữa là có thể đạt được nhu cầu canxi khuyến nghị. Trong trường hợp mẹ bầu không uống được sữa thì việc bổ sung canxi cần có ý kiến của bác sĩ.
Nhu cầu dinh dưỡng của thai phụ:
Phụ nữ bình thường | Phụ nữ có thai | |
Năng lượng (Kcal) | 2200 – 2300 | +350 |
Protein (g) | 55 | +15 |
Can-xi (mg) | 500 | 1000 |
Sắt (mg) | 24 | 30 |
Vitamin A (mcg) | 500 | 600 |
Vitamin B1 (mg) | 0,9 | +0.2 |
Vitamin B2 (mg) | 1,3 | +0,2 |
Vitamin PP (mg) | 14,5 | +2,3 |
Vitamin C (mg) | 70 | +10 |
Mẹ cố gắng ăn uống, bổ sung đủ chất để duy trì sức khỏe, đáp ứng đủ dinh dưỡng cho nhu cầu tăng trưởng của con nhé mẹ!
Nguồn: BSCKI. Nguyễn Thị Ngọc Hương, Trưởng khoa Dinh dưỡng Lâm sàng – Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, trích sách “Học làm mẹ cùng Bác sĩ”.