Cách chăm sóc sau sinh mổ để vết thương nhanh lành, không để sẹo

Có những lưu ý đặc biệt khi chăm sóc sau sinh mổ, mẹ cần nhớ để thúc đẩy nhanh quá trình hồi phục, giúp vết mổ không để lại sẹo. 

0
974

So với sinh thường, mẹ sinh mổ sẽ cần thời gian lâu hơn để hồi phục. Việc chăm sóc mẹ sinh mổ cũng có những lưu ý đặc biệt về dinh dưỡng, chăm vết mổ để người mẹ mau hồi người, vết mổ nhanh lành, không để sẹo.

1. Chăm sóc vết mổ

Trong tuần đầu tiên sau sinh, vết mổ vẫn chưa khô nên các bác sĩ sản phụ khoa và nữ hộ sinh sẽ chăm sóc sản phụ, chăm sóc vệ sinh vết mổ. Sản phụ sẽ được cho sử dụng các thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh hay thuốc co hồi tử cung để tránh các biến chứng, nhiễm trùng.

Thông thường, mẹ sinh mổ lần đầu sẽ được cắt chỉ sau 5 ngày và sau 7 ngày nếu mẹ mổ lần hai trở lên. Nếu khâu bằng chỉ tự tiêu thì không cần cắt chỉ.

Sau khi tắm xong, mẹ dùng bông sạch thấm khô vết mổ, để vết mổ hở không cần băng kín, giữ cho vết mổ luôn khô sạch. 

Để vết mổ nhanh liền sẹo và tránh nhiễm trùng, mẹ có thể vệ sinh vết mổ bằng dung dịch betadin hoặc povidine 10%.

Lưu ý: Không nên thoa các loại thuốc kháng sinh, hay đắp lá trầu, tỏi giã lên vết mổ.

2.  Chế độ dinh dưỡng

Mẹ không được phép ăn gì trong vòng 6 giờ sau mổ vì lúc này, dưới tác động của thuốc trong ca phẫu thuật, nhu động ruột của sản phụ vẫn đang ở mức rất thấp, ruột ứ ra nhiều khí, dạ dày hoạt động yếu. Thức ăn đưa vào sẽ rất khó tiêu hóa, gây đầy hơi, nôn ói, táo bón, khiến cơ thể càng mệt mỏi, lâu hồi phục.

Trong ngày đầu vừa sinh, các bà mẹ chỉ nên uống nước lọc, nước đường, ăn cháo loãng cho tới khi xì hơi (trung tiện) mới bắt đầu ăn đặc, và nên ăn những đồ mềm, lỏng. Sau đó, mẹ ăn uống như bình thường, tăng cường thức ăn giàu đạm và canxi, đồng thời uống nhiều nước để có nhiều sữa cho con bú và tránh táo bón.

Những dấu hiệu cần lưu ý trong thời gian hậu phẫu

1. Sốt

Sốt phản ứng của cơ thể với tình trạng nhiễm trùng. Vì vậy mẹ cần uống nhiều nước, nếu mùa nóng nên mặc quần áo thoáng mát, có thể nằm ở phòng có máy điều hòa không khí nhưng nên có những phút tắt điều hòa mở cửa cho phòng thông thoáng.

2. Sản dịch

Dù bạn sinh mổ, sản dịch vẫn sẽ chảy ra ngoài âm đạo như khi sinh thường và đây là dấu hiệu cho thấy tử cung đang hồi phục tốt. 

Trong 3 hoặc 4 ngày đầu, sản dịch có màu đỏ tươi, sau đó lượng máu dần dần bớt đi và chuyển qua màu hồng, màu nâu khi nội mạc tử cung co lại. 

Đến khoảng ngày thứ 10, sản dịch sẽ có màu hơi vàng hoặc không màu. Tuy nhiên, mẹ cần phải báo ngay với bác sĩ nếu thấy sản dịch không ra sau sinh, có mùi hồi hay có màu đỏ tươi vì đây có thể là dấu hiệu nhiễm trùng hậu sản, sót nhau hoặc băng huyết rất nguy hiểm với mẹ sau sinh.

3. Vết mổ sưng đỏ, đau hoặc tiết dịch

Vết mổ là vết thương, do vậy cần giữ khô sạch để tránh nhiễm trùng. Nếu vết mổ sưng đỏ đau hoặc chảy dịch vàng là những dấu hiệu bất thường, cần tái khám ngay.

Trong thời kỳ hậu sản, mẹ nên hạn chế làm những việc nặng nhọc như giặt giũ, hay việc khiến đầu óc căng thẳng như sử dụng máy vi tính,… 

Cơ thể mẹ sau sinh còn yếu nên hạn chế nơi có nhiều nắng và gió. Nếu chăm sóc, dinh dưỡng không đúng cách, sau sinh sản phụ có thể bị lên huyết áp, tiền sản giật, sản giật (sản hậu). Ngoài ra còn có thể bị tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch, suy dinh dưỡng và bệnh tâm lý.

Ts. Bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy – PGĐ Bệnh Viện Từ Dũ, trích sách Học Làm mẹ cùng Bác sĩ (tập 1).