Các triệu chứng khó chịu thường gặp trong thai kỳ

Bên cạnh niềm hân hoan và hạnh phúc khi làm mẹ, những khó chịu lẫn phiền phức đau đớn của các triệu chứng thai kỳ cũng bắt đầu xuất hiện.

0
1304

Thai kỳ là khoảng thời gian hạnh phúc của người mẹ nhưng đi kèm theo đó là những nỗi vất vả, nặng nhọc. Đặc biệt một số triệu chứng thai kỳ khó chịu gây ảnh hưởng đến bữa ăn, giấc ngủ, lịch sinh hoạt, làm việc của mẹ bầu.Thậm chí với một số mẹ, những triệu chứng ấy nặng nề đến nỗi làm mẹ khổ sở, đau đớn triền miên. Dưới đây là 3 trong số các triệu chứng thai kỳ khó chịu thường gặp, bố hiểu được hãy thương mẹ nhiều hơn nhé.

I. Táo bón

Táo bón là hiện tượng thường gặp ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ, thậm chí có thể xuất hiện ngay khi em bé vừa tượng hình trong bụng mẹ. Chứng táo bón có thể kéo dài trong suốt thai kỳ.

Táo bón khi mang thai không nguy hiểm, nhưng nó là nỗi phiền phức, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của các mẹ bầu.

1. Nguyên nhân gây táo bón

Chứng táo bón khi mang thai có thể do nhiều nguyên nhân:

– Sự thay đổi nội tiết tố làm ảnh hưởng đến hoạt động của hệ tiêu hóa, dẫn đến chức năng vận chuyển chất thải ra ngoài gặp khó khăn;

– Sự phát triển của thai nhi làm chèn ép lên cơ quan tiêu hóa và các cơ quan trong ổ bụng;

– Tình trạng nôn do nghén có thể khiến mẹ bầu bị mất nước, khiến tình trạng táo bón trở nên trầm trọng hơn;

– Uống viên sắt bổ sung cũng có thể là một nguyên nhân gây ra chứng táo bón.

2. Phòng ngừa và trị táo bón

Để phòng ngừa và trị táo bón, mẹ bầu nên thực hiện chế độ giàu chất xơ, uống nhiều nước, tránh dùng các loại thực phẩm có thể gây táo bón như đồ chiên xào nhiều dầu mỡ, thực phẩm chứa caffein, socola… Bổ sung sữa chua vào chế độ ăn uống cũng rất hiệu quả trong việc điều trị táo bón. Ngoài ra, tập thể dục đều đặn cũng có thể kích thích hoạt động của đường ruột, giúp ngăn ngừa táo bón. Khi có nhu cầu đi vệ sinh, mẹ nên đi ngay.

II. Chuột rút (vọp bẻ)

Ảnh: Konthong

Đây cũng là một trong những triệu chứng thai kỳ thường bắt đầu xuất hiện khi bước sang 3 tháng giữa. Theo sự lớn dần của em bé trong bụng mẹ, chứng chuột rút càng trở nên đau đớn và thường xuyên hơn.

1. Nguyên nhân chuột rút

Nguyên nhân chính xác của chuột rút vẫn chưa được khám phá xác định một cách rõ ràng nhưng thường do những nguyên nhân sau:

– Cơ thể phải nâng một khối trọng lượng lớn;

– Tử cung ngày càng mở rộng lớn dần cũng gây áp lực không nhỏ lên các mạnh máu và dây thần kinh, ảnh hưởng đến dòng máu từ chân đến tim cũng như dây thần kinh từ tủy sống đến chân và gây ra chuột rút;

– Thiếu dưỡng chất, đặc biệt là canxi. Nhu cầu canxi của người mẹ tăng lên nhiều lần để đáp ứng cho sự phát triển của thai nhi. Nếu mẹ bầu không bổ sung đủ canxi, canxi cơ thể mẹ sẽ bị thiếu do thai nhi hút canxi từ mẹ. Đó là nguyên nhân khiến chuột rút gia tăng.

2. Phòng ngừa chuột rút

– Mẹ bầu không ngồi quá lâu, đặc biệt là ngồi vắt tréo chân. Thường xuyên vận động để máu lưu thông tốt;

– Khi ngồi, mẹ đừng quên xoay cổ chân và gập duỗi các ngón chân;

– Nếu không có chỉ định đặc biệt từ bác sĩ, mẹ cần giữ thói quen tập thể dục nhẹ nhàng mỗi ngày;

– Thực hiện các động tác co duỗi chân mỗi ngày, đặc biệt là trước khi đi ngủ;

– Các động tác của mẹ bầu nên nhẹ nhàng, từ tốn, tránh việc thay đổi tư thế quá đột ngột;

– Tắm nước ấm trước khi đi ngủ;

– Nằm ngủ nghiêng về bên trái để máu lưu thông tốt hơn;

– Uống đủ nước, sử dụng các viên uống bổ sung canxi và vitamin theo chỉ định của bác sĩ;

– Nếu chứng chuột rút của bạn quá trầm trọng, hãy đến khám bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân và có biện pháp thích hợp.

3. Xử lý khi bị chuột rút

Khi cơn chuột rút xảy ra, mẹ bầu hãy cố gắng căng cơ chân bị đau bằng cách gập duỗi bàn chân. Mẹ có thể nhờ người khác hỗ trợ giúp nâng chân bị đau của bạn lên, gập duỗi bàn chân rồi xoay tròn cổ chân.

III. PHÙ CHÂN

Ảnh: Konthong

Phù chân là hiện tượng thường gặp ở các mẹ bầu, đặc biệt là ở cuối 3 tháng giữa trở đi. Tuy gây phù chân không nguy hiểm đến mẹ và bé nhưng gây ra cảm giác khó chịu, ảnh hưởng đến việc đi lại cũng như tâm lý của người mẹ. Tình trạng này có thể biến mất một cách nhanh chóng sau khi sinh xong. 

Phù có thể là dấu hiệu của tiền sản giật thai kỳ, nên mẹ cũng cần quan tâm và ngăn ngừa hiện tượng này trong thai kỳ của mình.

1. Nguyên nhân phù chân

– Trong thai kỳ, cơ thể mẹ sản xuất thêm đến 50% lượng máu và chất lỏng dịch bổ sung. Đây là một nguyên nhân chủ yếu gây phù;

– Tử cung ngày càng phát triển chèn ép lên tĩnh mạch, làm cản trở lưu thông máu từ chân về tim, khiến máu đọng ở chân, gây phù;

– Hoạt động bơm máu ở vùng chân giảm do mang giày cao gót, ngồi vắt tréo chân, đứng hoặc ngồi quá lâu một chỗ.

2. Ngăn ngừa chứng phù chân

– Chế độ ăn uống: uống đủ nước, tránh ăn mặn, bữa ăn hợp lý, đủ chất dinh dưỡng với đầy đủ rau xanh, trái cây để hỗ trợ chức năng thận;

– Vận động thường xuyên để giúp lưu thông máu;

– Tránh mang vớ hay giày quá chật;

– Giảm áp lực lên vùng tĩnh mạch chân bằng cách không ngồi một chỗ quá lâu, không ngồi vắt tréo chân;

– Mẹ nên nằm nghiêng sang trái khi ngủ để giúp thận dễ dàng bài tiết nước thải ra khỏi cơ thể;

– Kiểm soát cân nặng phù hợp khi mang thai, tránh tăng cân quá nhanh;

– Đến bác sĩ khi có hiện tượng sưng phù đột ngột.

(ThS.BS Lê Quang Thanh, Giám đôc Bệnh viện Từ Dũ, Sách Học làm mẹ cùng bác sĩ)