Các chuyên gia luôn khuyến cáo mẹ nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu. Vì sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo cung cấp nước, kháng thể giúp trẻ chống chọi với bệnh tật và hoàn thiện hệ đường ruột của trẻ.

Mẹ phải làm sao để có nguồn sữa dồi dào cho con bú?

Nhưng thực tế việc nuôi con bằng sữa mẹ không phải lúc nào cũng thành công và hàng nghìn bà mẹ đang gặp phải các vấn đề như ít sữa, mất sữa, con phải uống sữa ngoài. Cùng Cộng Đồng Bầu tham khảo qua lời khuyên của bác sĩ để mẹ có nguồn sữa dồi dào cho trẻ.

Cho trẻ bú ngay sau khi sinh và cho bú thường xuyên

Cho bé bú nhiều hơn để cơ thể sản xuất ra nhiều sữa.

Để mau tiết sữa và duy trì nguồn sữa mẹ, mẹ cần cho bé bú ngay sau khi sinh. Sau đó, cần cho bé bú liên tục, đều đặn giúp tăng tiết hormone, kích thích tuyến sữa hoạt động mạnh, giúp mẹ tiết ra nhiều sữa hơn và không sợ bị mất sữa.

Ở những bà mẹ ít sữa, nên cho trẻ bú nhiều để kích thích bài tiết sữa tốt hơn.

Bổ sung dinh dưỡng

Mẹ cần phải ăn uống đầy đủ chất và ăn nhiều lần trong ngày.

Khi cho con bú, chất dinh dưỡng từ thức ăn của mẹ sẽ được truyền qua sữa nuôi con, vì thế người mẹ cần phải ăn uống đầy đủ chất và ăn nhiều lần trong ngày.

Mẹ sau sinh cần hơn 2.500 kcalo mỗi ngày, nguồn năng lượng này đến từ nhiều loại thực phẩm khác nhau:

  • Ăn nhiều rau xanh: rau đay, rau lang, rau ngót, rau má, rau muống, mồng tơi, mướp…
  • Các loại củ quả: cà chua, cà rốt, gấc để nguồn sữa giàu dinh dưỡng cho con.
  • Đậu và các cây họ đậu, đặc biệt là đậu Đen, đậu Hà Lan, đậu Lăng, mè đen…
  • Trái cây còn tươi mới: đu đủ chín, dưa hấu, xoài… để cung cấp đủ vitamin và tránh được bệnh táo bón cho mẹ.
  • Ăn nhiều thịt, cá và ít chất đường bột thì sẽ không gây tăng cân béo phì cho người mẹ.
Bổ sung đa dạng thực phẩm cho mẹ.

⊗ Bên cạnh đó, mẹ hạn chế ăn các loại trái cây chứa nhiều vitamin C như cam, quýt vì thường có tính axit cao và dễ kích thích dạ dày của trẻ. Một số trẻ có thể bị nôn mửa khi các bà mẹ có ăn cam, quýt, thay vào đó hãy chọn các loại trái cây khác như xoài và dâu tây – cũng là nguồn cung cấp vitamin C tốt.

⊗ Tránh ăn rau cải xanh vì dễ làm rối loạn tiêu hóa. Nên kiêng dùng hẹ và những thực phẩm được ủ lâu ngày hoặc những thực phẩm cay chứa nhiều ớt, tiêu… vì những thực phẩm này không có lợi cho sự tiết sữa.

Thực hiện chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý thì người mẹ sẽ có lượng sữa đủ nhu cầu của bé.

Uống nhiều nước

Mẹ uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày.

Mẹ nên uống nhiều nước, nhất là trước khi cho con bú. Uống ít nhất là 2 lít nước mỗi ngày, ngoài ra nên uống thêm 1-2 ly sữa, nước hoa quả.

Nên uống nước ấm, hạn chế uống nước đá lạnh và các loại chứa chất kích thích như rượu, bia, trà, những thức uống có gas hoặc chứa caffein sẽ làm giảm lượng sữa và ức chế phản xạ tiết sữa.

Caffein lẫn trong sữa mẹ có thể làm em bé trở nên dễ cáu kỉnh, kích động và khó ngủ. Rượu khiến bé ngủ nhiều hơn bình thường. Thậm chí điều này còn khiến trẻ suy nhược và tăng cân bất thường.

Cẩn thận khi dùng thuốc

Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng thuốc.

Trong thời gian cho con bú, mẹ nên cẩn thận khi dùng thuốc vì một số thuốc kháng sinh, thuốc cảm cúm, thuốc chống dị ứng có thể qua sữa gây ngộ độc cho trẻ và làm giảm tiết sữa.

Tốt nhất là phải hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi dùng.

Tránh tâm lý căng thẳng sau sinh

Mẹ cần giữ cho mình một trạng thái tinh thần vui vẻ, hạn chế căng thẳng.

Ngoài việc bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cần phải có sự ân cần, chăm sóc động viên của người thân, đặc biệt là từ người chồng.

Trạng thái tinh thần tác động rất lớn đến nguồn sữa sau khi sinh cả về số lượng và chất lượng, các bà mẹ cần giữ cho mình một trạng thái tinh thần vui vẻ, thoải mái, thư giãn, hạn chế căng thẳng, stress, tránh làm việc quá sức nếu không có thể dẫn đến tình trạng ít sữa, thậm chí mất sữa sau khi sinh.

Cộng Đồng Bầu – Chuyên gia bầu của mẹ!

(Nguồn: trích dẫn sách Làm mẹ – Học chăm con cùng Bác sĩ).