Hướng dẫn mẹ chăm sóc da bé sơ sinh đúng cách

Da bé sơ sinh rất nhạy cảm, chưa hoàn hảo như người lớn nên cần được bảo vệ và chăm sóc đúng cách.

0
970

Da ửng đỏ, bong tróc, nổi mẩn,… là tình trạng thường gặp ở bé sơ sinh, khiến không ít bố mẹ lo lắng. Nguyên nhân có thể là do bệnh lý bẩm sinh từ khi còn trong bụng mẹ nhưng cũng có thể do tác động của môi trường xung quanh, sự chăm sóc hoặc bệnh lý nhiễm sau sinh. 

Hiện tượng thường gặp ở làn da bé sơ sinh

1. Da bé nhăn nheo

Da nhăn nheo thường xảy ra ở bé sinh non, nhẹ cân, suy dinh dưỡng. Nguyên nhân là do lớp mỡ dưới da của bé còn ít, khiến bé trông không đầy đặn, tròn trĩnh hoặc do sự thay đổi từ môi trường nước sang môi trường không khí khô ráo.

2. Da bé trong suốt

Lượng tế bào da ít khiến da bé mỏng manh, trong suốt, thường gặp ở bé sinh non tháng. Da bé dễ bị mất nước, dễ bị vi khuẩn thâm nhập, gây nhiễm trùng

3. Da bé bong tróc

Khi tiếp xúc với môi trường không khí, lớp vernix bao phủ toàn bộ cơ thể sẽ khô dần và bong ra. Đây là hiện tượng bình thường ở bé mới sinh, không cần điều trị.

4. Bớt xanh

Bớt sắc tố điển hình của người châu Á, sẽ nhạt dần khi bé lớn lên mà không cần can thiệp gì.

5. Bớt đỏ

Thường là bướu máu. Một số bướu máu dạng phẳng, đa phần lành tính, nhạt dần theo thời gian. Một số bướu máu khác biến dạng trên bề mặt, thường gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, cần được sự điều trị của các bác sĩ chuyên khoa.

Chăm sóc làn da bé sơ sinh đúng cách

1. Da khô

Mẹ nên dùng kem dưỡng ẩm cho bé sơ sinh hoặc các sản phẩm dầu thực vật tự nhiên như dầu dừa, dầu oliu,… để thoa một lớp mỏng và đều lên da bé.

2. Chàm

Đây là tình trạng viêm da mãn tính, làm cho da bị đỏ, khô, bong tróc, ngứa ngáy. Vùng da bị chàm khá nhạy cảm, dễ bị kích ứng bởi các hóa chất như xà phòng, bột giặt,… Do đó, mẹ nên chọn các loại nước giặt dành riêng cho làn da non nớt và nhạy cảm của bé. Mẹ nên đưa bé đến bác sĩ kiểm tra và kê toa loại kem dưỡng phù hợp. Mẹ không nên tự y mua thuốc thoa cho bé để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.

3. Vàng da

Tình trạng này khá phổ biến ở trẻ sơ sinh, đặc biệt ở bé sinh non. 

– Vàng da sinh lý: vàng da ở mức độ nhẹ. Biểu hiện vàng vùng da ở mặt, cổ, ngực, thường tự khỏi khoảng 1 tuần-10 ngày.

– Vàng da bệnh lý: da có màu vàng hơn, lan xuống các bộ phận cơ thể, có thể đi kèm các triệu chứng khác.Vàng da bệnh lý cần được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt.

– Nhiễm trùng da: nổi các mụn mủ lốm đốm trên da.

– Nhiễm trùng da nhẹ: các mụn mủ nhỏ, số lượng ít (dưới 10 mụn), không có các biểu hiện bất thường: bé vẫn bú, sinh hoạt bình thường, không khóc quấy, ói, sốt, tiêu chảy. Có thể dùng thuốc sát trùng ngoài da thông thường như millian (thuốc xanh) bôi trên da 4 lần mỗi ngày.

+Nhiễm trùng da dạng nặng: mụn mủ lớn, đỏ ửng, sưng tấy, số lượng nhiều. Bé cần được đưa thăm khám và điều trị kịp thời.

4. Hăm tã

Là tình trạng vùng da mặc tã (vùng đùi, mông, bẹn) của bé bị ửng đỏ, nổi mẩn ngứa, thậm chí nứt nẻ và mưng mủ. Nguyên nhân là do không được vệ sinh kịp thời và đúng cách.

Nguồn: Bác sĩ CK2.Nguyễn Thị Từ Anh, Trưởng khoa sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ, trích sách Học làm mẹ cùng Bác sĩ, tập 2.