Vợ mới sinh dễ bị trầm cảm, cần chồng ở cạnh săn sóc, yêu thương

Nếu mẹ chưa sẵn sàng vượt qua những thay đổi tâm lý và không nhận được sự hỗ trợ từ người nhà có thể dẫn đến chứng trầm cảm sau sinh.

0
1213

Sinh con là một biến động lớn trong cuộc sống của người phụ nữ. Sự xuất hiện của em bé có thể là niềm hạnh phúc của người này nhưng có thể khiến mẹ khác cảm thấy sợ hãi tột độ.

Theo babycenter, khoảng 10 – 20% các mẹ mới sinh bị trầm cảm sau sinh (PPD) . Một số chuyên gia cho rằng con số này thậm chí còn cao hơn vì nhiều mẹ không tìm cách điều trị.

Nguyên nhân gây trầm cảm sau sinh

PPD xảy ra do sự thay đổi nội tiết tố, môi trường, cảm xúc và di truyền. Khi mang thai, lượng estrogen và progesterone tăng vọt nhưng sẽ giảm xuống đột ngột trong vòng một ngày sau sinh. Đồng thời, sự sụt giảm hormone tuyến giáp cũng là nguyên nhân gây trầm cảm sau sinh. Kiệt sức, thiếu ngủ, tâm lý khi trở thành mẹ cũng là những yếu tố góp phần phát triển chứng trầm cảm sau sinh.

Một số bà mẹ cảm thấy họ phải chịu trách nhiệm về việc mắc PPD hoặc đổ lỗi cho bản thân vì bị trầm cảm, nhưng trầm cảm không xảy ra vì bạn là một người mẹ tồi hoặc vì điều gì đó mà mẹ đã làm hoặc không làm.

Dấu hiệu trầm cảm sau sinh

Khả năng mẹ đang bị trầm cảm sau sinh nếu có bất kỳ dấu hiệu nào sau đây xuất hiện mỗi ngày:

  • Buồn bã, trống rỗng hoặc cảm thấy tuyệt vọng;
  • Khóc thường xuyên không rõ nguyên nhân;
  • Không hứng thú với những hoạt động và sở thích của mình;
  • Khó ngủ vào ban đêm hoặc uể oải vào ban ngày;
  • Chán ăn hoặc ăn quá nhiều, giảm cân hoặc tăng cân không chủ ý;
  • Cảm thấy mình vô dụng, tội lỗi;
  • Khó tập trung hoặc khó đưa ra quyết định;
  • Cảm thấy không đáng sống;
  • Thay đổi tâm trạng nghiêm trọng;
  • Khó gắn kết với con;
  • Lo lắng quá mức;
  • Có suy nghĩ làm hại bản thân hoặc em bé;

Các dấu hiệu khác cho thấy mẹ có thể đang bị trầm cảm sau sinh:

  • Cực kỳ cáu kỉnh hoặc tức giận;
  • Lảng tránh bạn bè và gia đình;
  • Lo lắng quá mức về em bé;
  • Lo mình không phải là một người mẹ tốt;
  • Không quan tâm đến con sơ sinh hoặc không thể chăm sóc cho bé;
  • Cảm thấy kiệt sức đến nỗi không thể rời khỏi giường trong nhiều giờ.

Một số phụ nữ còn có những suy nghĩ hoang tưởng hoặc ảo giác, thậm chí có thể gây hại cho con. Đây được gọi là chứng loạn thần sau sinh. Nếu mẹ nghi ngờ điều này xảy đến với mình, hãy tìm kiếm sự trợ giúp ngay lập tức.

Đối phó với trầm cảm sau sinh

Ngoài nhận sự trợ giúp từ chuyên gia, một số cách dưới đây có thể giúp mẹ đối phó với căn bệnh trầm cảm sau sinh.

1. Đối xử tốt với bản thân

Mẹ cố gắng ngủ, ăn uống đầy đủ và ngừng cảm giác tội lỗi. Mắc trầm cảm không có nghĩa bạn là người mẹ tồi hay không yêu con mình. Sau khi điều trị, cảm giác tội lỗi và tuyệt vọng sẽ bắt đầu giảm dần.

2. Yêu cầu hỗ trợ

Là một người mẹ tốt phải biết khi nào cần giúp đỡ. Vì vậy, mẹ đừng ngần ngại yêu cầu giúp đỡ trong thời điểm khó khăn này. Hãy nhờ chồng hỗ trợ, đó có thể là chăm sóc con, làm việc nhà hoặc cùng mẹ đến gặp bác sĩ. Người thân hoặc bạn bè đều có thể giúp mẹ vượt qua giai đoạn nhạy cảm này.

Người chồng không thể điều trị chứng trầm cảm của vợ nhưng sự hỗ trợ của người chồng rất quan trọng đối với sự hồi phục của vợ. Bạn có thể ở cạnh cô ấy, sẵn sàng giúp đỡ khi cô ấy cần và đừng phán xét, chỉ trích cô ấy. Bạn có thể nói chuyện với bác sĩ, nữ hộ sinh hoặc chuyên gia trị liệu để biết rõ hơn về những gì vợ mình đang trải qua.

3. Chia sẻ cảm xúc

Thẳng thắn chia sẻ về cảm xúc hiện tại với chồng hoặc gọi điện cho một người bạn. Điều này thật sự hữu ích để giúp bạn ngăn hoặc giảm triệu chứng trầm cảm sau sinh.

4. Cố gắng nghỉ ngơi

Việc chăm sóc con sơ sinh cả ngày sẽ khiến mẹ kiệt sức. Hãy dành thời gian giải lao ngay cả khi chỉ đọc báo hoặc xem video. Chợp mắt chỉ 10 phút cũng giúp mẹ lấy lại năng lượng. Nếu có thể, hãy cân nhắc việc thuê người chăm sóc sau sinh hoặc người trông trẻ sơ sinh, hoặc nhờ người thân hoặc bạn bè trông chừng bé khoảng 1 giờ hoặc lâu hơn để mẹ có thời gian nghỉ ngơi.

5. Ra ngoài thư giãn

Đặt em bé vào xe đẩy, đẩy đi dạo quanh nhà hoặc gặp một người bạn ở quán cà phê gần nhà có thể giúp mẹ thư giãn đầu óc.

6. Đừng làm việc quá sức

Đừng cố phải tranh thủ làm việc nhà khi con ngủ. Việc nhà có thể làm sau. Thay vì kiểm tra mạng xã hội, hãy thử nghe nhạc hoặc đọc sách lúc con ngủ. Nếu đang trong thời gian nghỉ thai sản, mẹ cũng đừng quá căng thẳng về công việc đang chờ.

Nguồn: babycenter